Trường đại học y tế công cộng tìm hiểu mô hình tự chủ đại học của TDTU

Sáng ngày 04 tháng 6 năm 2019, Lãnh đạo Phòng công tác sinh viên và Thư viện Trường đại học y tế công cộng đã đến thăm và tìm hiểu mô hình tự chủ của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Lãnh đạo Phòng công tác học sinh - sinh viên, Phòng khảo thí & kiểm định chất lượng (KT&KĐCL), Ký túc xá và Thư viện TDTU đã tiếp đoàn. 

ThS. Trần Thị Nguyệt Sương, Trưởng phòng KT & KĐCL đã giới thiệu về định hướng phát triển thành đại học nghiên cứu và chính sách quản lý chất lượng theo mục tiêu, lượng hoá, đặt hiệu quả lên hàng đầu của TDTU. Những điểm cơ bản của mô hình quản trị này bao gồm: xác lập mục tiêu, xây dựng hành lang pháp lý, tiêu chuẩn hoá, giám sát thưởng - phạt, chính sách tiết kiệm và thu nhập theo hiệu quả. Cô cũng cho biết: “Việc tham gia kiểm định quốc tế giúp TDTU nhận ra điều còn thiếu sót để có thể phấn đấu cải tiến, tiệm cận với chất lượng các đại học hàng đầu trên thế giới, được các đối tác và nguồn nhân lực nước ngoài biết đến nhiều hơn.”

 

ytecongcong-01.png
ThS. Trần Thị Nguyệt Sương, Trưởng phòng KT & KĐCL TDTU

 

Tuy đã đi đến rất nhiều nơi để nghiên cứu và học hỏi, nhưng ThS. Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Trung tâm thư viện, Trường đại học y tế công cộng bày tỏ: “Tôi không ngờ tại Việt Nam lại có một đại học chuẩn chỉnh như thế, kể từ việc rất nhỏ đến những việc lớn. Điều tôi ấn tượng nhất là triết lý làm việc của Trường, nó như kim chỉ nam để mọi người cùng thấu hiểu và chia xẻ, làm việc trên nguyên tắc phụng sự. Tôi nghĩ đây chính là lí do cho sự phát triển của TDTU, điều những đơn vị khác, đặc biệt là trường chúng tôi cần học hỏi. Chuyến đi này thật sự khiến chúng tôi tâm phục khẩu phục”. 

ytecongcong-02.png
ThS. Nguyễn Hải Hà,  Giám đốc Trung tâm thư viện, Trường đại học y tế công cộng

 

Sau chuyến tham quan và được thuyết minh cụ thể, Đoàn đã thật sự hiểu hơn về tự chủ đại học, về bản chất của 5 S và chương trình giáo dục sinh viên. Khi trở về, Đoàn sẽ có những đề nghị để áp dụng mô hình này; và sẽ cử thêm các đơn vị của Trường đến tiếp cận học hỏi.