Seminar về vật lý sinh học lý thuyết và tính toán

Phòng thí nghiệm vật lý sinh học lý thuyết và tính toán (TCB), Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU)  tổ chức seminar định kỳ tháng 3/2019 với thông tin chi tiết như sau:

Nội dung: có 2 báo cáo được trình bày trong buổi seminar:

  1. Phương pháp isothermal titration calorimetry trong nghiên cứu liên kết protein-ligand, do TS. Nguyễn Trung Hải trình bày.
  2. Vận chuyển ion Ca2+ thông qua các bó amyloid α-helix xuyên màng, do TS. Ngô Sơn Tùng trình bày.

Thời gian: từ 14:00 đến 16:00 ngày 08/03/2019;

Địa điểm: Phòng họp C, Đại học Tôn Đức Thắng; 19 Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Phong, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Ngôn ngữ trình bày: tiếng Anh và tiếng Việt

Thành phần tham dự: Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và sinh viên quan tâm có thể đến tham gia và cùng trao đổi thảo luận. 

Đăng ký tham dự với Ban tổ chức trước ngày 07/03/2019 qua điện thoại: 028 37755037 hoặc email: ngominhhoang@tdtu.edu.vn.

Thông tin về báo cáo viên:

TS. Ngô Sơn Tùng, Trưởng phòng thí nghiệm TCB, Giáo sư trợ lý tại TDTU. Ông là tác giả của hơn 27 bài báo ISI (h-index=11), với một số công bố tiêu biểu trên các tạp chí hàng đầu trong chuyên ngành như: Coordination Chemistry Reviews (Impact factor: 14.5), Journal of Physical Chemistry B (Impact factor: 3.2), và Journal of Chemical Information and Modeling (Impact factor: 4.2).

TS. Nguyễn Trung Hải, Thành viên Phòng thí nghiệm TCB. Ông là tác giả của hơn 20 bài báo ISI (h-index=8), trong đó có những công bố tiêu biểu trên các tạp chí: Proceedings of the National Academy of Sciences (Impact factor 9.5), Journal of chemical theory and computation (Impact factor 5.4), và  Chemistry–A European Journal (Impact factor 5.1).

Thông tin về hai báo cáo tại seminar:

a) Phân tích Bayes cho dữ liệu ITC để xác định các đại lượng nhiệt động cho quá trình liên kết protein-ligand

Isothermal titration calorimetry (ITC) là một phương pháp thí nghiệm quan trọng trong vật lý sinh học để đo đạc các đại lượng nhiệt động liên quan đến quá trình liên kết không cộng hoá trị giữa protein và ligand cũng như giữa protein với nhau. Đây là phương pháp duy nhất có khả năng xác định được năng lượng tự do và entanpy trong cùng một thí nghiệm; và do đó, cho phép ta phân tách năng lượng tự do thành hai đóng góp riêng biệt từ entanpy và từ entropy. Phương pháp phân tích dữ liệu truyền thống dựa trên hồi quy phi tuyến cho sai số nhỏ hơn thực tế rất nhiều vì nó bỏ qua nhiều sai số thực nghiệm quan trọng.

Báo cáo giới thiệu một phương pháp phân tích dữ liệu mới dựa trên Thống kê Bayes, theo đó ta có thể đưa tất cả các loại sai số do phép đo vào trong một hàm phân phối xác suất hậu nghiệm. Việc lấy mẫu từ hàm phân phối hậu nghiệm cho phép ta ước lượng một cách chính xác sai số của các đại lượng nhiêt động gây ra bởi sự biến thiên ngẫu nhiên giữa các thí nghiệm được lặp lại một cách độc lập.

b) Kết quả nghiên cứu mới nhất về các bó amyloid α-helix xuyên màng có khả năng dẫn ion Ca2+.

Bệnh Alzheimer, một dạng phổ biến của bệnh hoái hóa thần kinh, được xem là bệnh không thể chữa; ảnh hưởng lên nhiều triệu người trên toàn thế giới; gây ra cái chết của hơn 2 triệu người mỗi năm, cùng với hàng trăm tỉ USD phải chi ra cho các dịch vụ y tế và chăm sóc bệnh nhân. Rất nhiều nghiên cứu đã tiết lộ rằng Aβ có thể hình thành các cấu trúc giống kênh ion, có thể liên quan đến sự phá vỡ cân bằng nội môi Ca2+ trong các tế bào thần kinh dẫn đến chết tế bào. Tuy nhiên, thông tin chi tiết các cấu trúc xuyên màng (các hệ khối lượng nhỏ) này là vẫn rất hạn chế bất chấp nhiều cố gắng của giới khoa học trong hơn 28 năm đã qua. Nguyên nhân chủ yếu do các cấu trúc này tồn tại thoáng qua và đồng thời rất linh động.

Báo cáo trình bày về cấu trúc xuyên màng (của tiền sợi Amyloid khối lượng nhỏ) và cơ chế vật lý của Ca2+ vận chuyển qua kênh. Kết quả thu được có thể sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh Alzheimer.