Triển vọng áp dụng mô hình số trong giám sát chất lượng môi trường

Những năm gần đây, sự hình thành các khu đô thị mới đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được đánh giá năng động và hiện đại nhất Việt Nam. Cơ sở chính của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) tại Phường Tân Phong, Quận 7 là một điểm son rõ nét, góp phần cho sự thay đổi tích cực này. Tại TDTU, không chỉ chất lượng giáo dục được chú trọng, môi trường làm việc được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại; mà các hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiên tiến cũng được thực hiện và phát huy.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên triển khai tại TDTU đã và đang nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, quảng bá của các cơ quan truyền thông, viện nghiên cứu và cộng đồng. Trong số này có thể kể đến việc nghiên cứu xử lý chất thải nhựa, hệ thống thu gom và sử dụng nước mưa, hệ thống xử lý và kiểm soát phú dưỡng hóa, ô nhiễm nước kênh rạch, …;. Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng mô hình tính toán số dựa trên các thuật toán cũng được thảo luận và định hướng triển khai nghiên cứu cho thày và trò TDTU nhằm đáp ứng nhu cầu quan trắc môi trường, xác định các giải pháp phù hợp theo từng thời điểm trong chu kỳ hàng năm, phục vụ mục tiêu quản lý bền vững môi trường và tài nguyên. 

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý môi trường nước, mô hình toán số ROMS được sử dụng để giám sát chất lượng nước của Kênh 1 và 2, trong khuôn viên TDTU, dưới tác động của thủy triều và nguồn xả thải từ dữ liệu quan trắc thu tại đầu kênh (hình dưới đây). Mô hình số này cho phép người dùng tính toán diễn biến của dòng chảy trong 3 chiều, các yếu tố về chất lượng nước như các phân bố nhiệt độ, độ mặn, chất diệp lục, oxy hòa tan, phốt pho và nitơ được định lượng theo thời gian và theo không gian dưới các tác động như sự pha trộn của dòng chảy, sự khuếch tán và các phản ứng hóa học diễn ra bên trong quá trình truyền tải. 

Với hệ thống siêu máy tính (HPC) được Nhà trường đầu tư, việc cài đặt mô hình và thực hiện tính toán đã không còn là vấn đề đáng lo ngại mà nhiều nhiều nghiên cứu viên phải đối mặt như ở nơi  khác. Tại TDTU, việc áp dụng công nghệ số không chỉ hỗ trợ tìm kiếm giải pháp bền vững, hiệu quả trong lĩnh vực quản lý môi trường và tài nguyên, mà còn tạo điều kiện tốt cho giảng viên, sinh viên nâng cao năng lực và phát triển chuyên môn nghiên cứu, thông qua đó thực hiện trách nhiệm phụng sự xã hội mà Nhà trường đặt ra.

 

moi-truong.png
Kênh rạch thuộc khuôn viên TDTU, được đánh số 1 và 2.