Ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường để kiểm soát chất lượng nước kênh rạch tại Đại học Tôn Đức Thắng

Tốc độ phát triển đô thị tại Quận 7, Tp.HCM trong những năm qua đã tác động lớn đến chất lượng môi trường, rõ nét là sự ô nhiễm môi trường nước hệ thống kênh rạch trong vùng; bao gồm kênh chạy ngang Khu I và II thuộc Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Nước thải sinh hoạt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao do các khu dân cư chung quanh thải ra hệ thống kênh rạch đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm do quá trình cặn lắng, phân hủy yếm khí tạo mùi hôi thối, tảo phát triển nhanh, che kín mặt nước làm giảm khả năng khuếch tán oxy, đặc biệt trong các tháng mùa khô, nóng. Tại TDTU, giải pháp lắp đặt hệ thống cấp khí chùm phun tia bề mặt theo chiều dọc kênh nhằm kiểm soát phú dưỡng hóa, cải thiện chất lượng môi trường nước đã được thực hiện 5 năm qua đã góp phần đa dạng vào các hoạt động vì cộng đồng.

Ngoài chức năng tạo cảnh quan và thẩm mỹ cho bề mặt kênh, hệ thống này đóng vai trò như một nhà máy xử lý nước thải qui mô nhỏ, hạn chế ô nhiễm, cải thiện đáng kể nguồn nước thông qua việc bảo đảm cân bằng lượng oxy, chất dinh dưỡng và nhiệt độ trong toàn vùng, giảm đáng kể sự phát triển của rong tảo, côn trùng gây bệnh và mùi hôi.

 

kenh-rach-1.jpg
Hệ thống kiểm soát chất lượng nước kênh thân thiện môi trường của TDTU

 

Một giải pháp sinh thái bền vững nữa đã được triển khai đó là quá trình thả nuôi và chăm sóc các loài cá trắm cỏ, mè, rô phi, chép vàng… trong kênh để kiểm soát sự phát triển của rong, tảo và cải thiện chất lượng nước, song hành cùng việc thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát số lượng cá tương ứng với diện tích mặt nước, tránh phá hủy và gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.