Tự chủ đại học

Web of Science - Cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới của Mỹ thống kê 12.000 tạp chí uy tín của thế giới, tổng số công bố quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tính từ tháng 1.2016 đến nay, được xếp hạng thứ hạng cao trong cả nước (128 bài).

Theo thứ tự trong bảng xếp hạng của Web of Science, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 4, sau Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ VN (266 bài), Đại học Quốc gia Hà Nội (158 bài) và Đại học Quốc gia Việt Nam (245 bài). Tuy nhiên trên thực tế, Đại học Quốc gia Việt Nam không tồn tại, nhưng có thể bao gồm (không toàn bộ) số bài cả hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM. Cho nên, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ 3.

Từ vị trí xếp hạng này có thể suy nghĩ sâu hơn về đầu tư giáo dục đại học và tự chủ đại học, những vấn đề đã được bàn bạc nhiều năm qua. Thử làm phép so sánh để thấy kết quả của một trường công tự chủ tài chính. Trường Đại học Tôn Đức Thắng không nhận bất kỳ đồng nào từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 33 viện nghiên cứu và trên 4.000 cán bộ, nhân viên, trong đó có 2.642 cán bộ biên chế, với dự toán chi (được thông qua) trong năm 2015 là 1.188,910 tỉ đồng. Đại học Quốc gia Hà Nội có 1.647 giảng viên cơ hữu, tổng ngân sách trong năm 2015 chi là 1.382,697 tỉ đồng.

Không tiêu tiền ngân sách cả nghìn tỉ đồng như các đơn vị khác mà tự lực tự cường, nhưng thành tích của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa được công bố không có khoảng cách quá xa so với hai viện và trường có thứ hạng cao hơn. Là một trường còn non trẻ, vị trí trên Web of Sience của Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát ra một thông điệp, không phải cứ có bề dày lâu năm mới đạt được thành tích khoa học cao, mà cơ hội đó dành cho trường nào biết chọn con đường đi đúng và tập trung nguồn lực cho mục tiêu đặt ra. Con đường đó là “tự chủ đại học”.

Đề ra những chính sách phù hợp để các trường đại học tự chủ, đó là việc phải làm, không phải để bàn nữa. Tự chủ tài chính, tự chủ học thuật, tự chủ nhân sự để độc lập, sáng tạo, vươn lên bằng người.

Có điều, không ít trường sợ tự chủ, rời “bầu sữa” ngân sách là thiếu tự tin. Xài tiền Nhà nước quen tay, tự làm ra cũng khó.

Nếu chưa cắt nguồn tài chính ngân sách, thì nên cắt dần, cho các trường có lộ trình để tự chủ hoàn toàn, giảm bớt gánh nặng ngân sách giáo dục đại học. Trường Đại học Tôn Đức Thắng không sử dụng một đồng ngân sách, các trường khác cũng có thể thực hiện như vậy.

Lê Thanh Phong
Báo Lao Động Online

Từ khóa