Bế giảng Khóa học thiết kế nghiên cứu khoa học và phân tích dữ liệu

Ngày 07/01/2018, tại Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) Khóa học thiết kế nghiên cứu khoa học và phân tích dữ liệu do GS. Nguyễn Văn Tuấn phụ trách đã chính thức bế giảng. Khóa học bắt đầu từ ngày 25/12/2017, có 101 học viên là các nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu đến từ các đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu ở 34 tỉnh, thành phố của cả nước tụ tập về; những người cần củng cố kiến thức phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học để phục vụ cho công việc.

Được thiết kế theo hình thức "workshop", Khoá học đã giới thiệu đến các học viên những khái niệm cơ bản về nghiên cứu khoa học, các mô hình nghiên cứu khoa học và phân tích dữ liệu. Học viên cũng được làm quen với cách đặt vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, các phương pháp thống kê cơ bản; trong đó nhấn mạnh đến việc ứng dụng các phương pháp mô hình hoá dữ liệu thông qua một số ca nghiên cứu cụ thể của TDTU trong thời gian qua.

 

Vài nét về GS. Nguyễn Văn Tuấn:

GS. Nguyễn Văn Tuấn có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển mô hình tiên lượng và là tác giả của Mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương Garvan. Ông còn giúp nghiên cứu sinh trong nước phát triển mô hình tiên lượng tử vong ở Khoa cấp cứu trong các bệnh viện. Hiện ông là Giáo sư y khoa tiên lượng (Predictive Medicine) của Đại học công nghệ Sydney (UTS), Giáo sư dịch tễ học và Thống kê học của Đại học Notre Dame, Australia, Giáo sư y khoa của Đại học New South Wales, Australia; đồng thời là Phó chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Cố vấn cao cấp về khoa học của Hiệu trưởng TDTU; Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Xương và Cơ của TDTU.

 

GS. Nguyễn Văn Tuấn chia xẻ về khóa học:

Hôm nay là ngày cuối cùng của chương trình workshop năm 2017. Chương trình học kéo dài 12 ngày, với 6 ngày dành cho phần thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu, cùng 6 ngày cho việc trình bày, viết và công bố bài báo khoa học. Ba chúng tôi mệt lả nhưng bù lại thì sự nhiệt tình của các học viên (hơn 100 bạn từ 34 tỉnh thành) là động lực quan trọng để hoàn tất chương trình này và chuẩn bị cho chương trình năm sau.

Qua 12 ngày làm việc và 36 bài giảng, tôi nghĩ các học viên đã có một lượng kiến thức và kĩ năng quan trọng. Khi mở đầu chương trình, chỉ có 20% học viên đạt yêu cầu về kiến thức và kĩ năng về phương pháp nghiên cứu, nhưng sau khi xong chương trình hơn 80% học viên đã đạt yêu cầu. Có một "biểu đồ bánh tằm" cho thấy tuyệt đại đa số đều có cải tiến (chỉ có 1 trường hợp duy nhất do bỏ sót trả lời post-test nên bị… giảm). Các học viên cũng đã học được cách nhận dạng các tập san dỏm và biết được danh sách tập san chính thống. Họ đã có được địa chỉ để có thể "tư vấn" cho giới quản lí đại học biết được thế nào là tập san dỏm và thế nào là thật. Họ đã học được và nhận thức được những khác biệt giữa bài báo trên các tập san trong nước và tập san có bình duyệt (peer reviewed journals).

Có vài người tâm sự rằng workshop đã "mở mắt" cho các bạn ấy. Mở mắt từ cách suy nghĩ về câu hỏi nghiên cứu, cách chọn mô hình nghiên cứu, cách suy nghĩ về mô hình thống kê, ý nghĩa của trị số P và kiểm định giả thuyết, v.v. Họ học những chi tiết trong việc xây dựng biểu đồ khoa học đến cách đặt tựa đề cho một bài báo khoa học. Có những khía cạnh mà nhiều người chưa bao giờ chú ý hay quan tâm đến, nhưng thật ra rất quan trọng trong khoa học. Các học viên cũng học được 20 sai sót và thiếu sót phổ biến trong phân tích và trình bày dữ liệu mà có lẽ chính các bạn ấy từng bị vấp phải.

Sau 12 ngày, trong chương trình đã có nhiều chia xẻ và trải nghiệm quan trọng. Nhân dịp này tôi xin chân thành cám ơn các bạn học viên đã chịu khó thức sớm và theo đuổi chương trình suốt 12 ngày là một thời gian dài, và tham gia thảo luận cùng chia xẻ kinh nghiệm. Sự tham dự của các bạn và đóng góp của các bạn là yếu tố góp phần làm nên sự thành công của workshop.Tôi cũng cám ơn Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tổ chức workshop rất chu đáo và chuyên nghiệp. Từ cơ sở vật chất, phòng ốc, wifi, trà nước, đến in ấn tài liệu và sách tham khảo, tất cả đều được quan tâm cẩn thận. Những workshop như thế này tôi đã từng làm trên khắp mọi miền đất nước, nhưng chưa có nơi nào tổ chức chuyên nghiệp và tận tình như TDTU (điều này nói thật tình chứ không phải "nịnh gà nhà"). Sau cùng, tôi cám ơn các đồng nghiệp đã tham gia giảng là TS Trần Sơn Thạch và BS Hà Tấn Đức; không có các bạn tôi không thể nào thực hiện được chương trình này. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn mọi người!

Một số hình ảnh của khóa học:

khoa-hoc-GS-Tuan-1.jpg
TS. Trần Trọng Đạo, Phó hiệu trưởng TDTU phát biểu chào mừng học viên và Khai giảng khóa học

 

khoa-hoc-GS-Tuan-1.jpg
GS. Nguyễn Văn Tuấn trực tiếp giảng dạy chính cho khóa học

 

khoa-hoc-GS-Tuan-1.jpg
GS. Nguyễn Văn Tuấn trao Giấy chứng nhận kết thúc khóa học cho các học viên

 

khoa-hoc-GS-Tuan-1.jpg
Các học viên nhận giấy chứng nhận kết thúc khóa học

 

khoa-hoc-GS-Tuan-1.jpg
Tập thể học viên của khóa học chụp hình lưu niệm